Iran đã nã hàng chục tên lửa vào hai căn cứ có binh sĩ Mỹ đồn trú ở Iraq ngày 8/1. Washington dường như đã được “mật báo” trước, song không có dấu hiệu nào cho thấy các lực lượng Mỹ triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa để ngăn cuộc tấn công của Tehran.

Nhấn để phóng to ảnh
Theo trang tin Washington Times, trong vụ tấn công hôm 8/1, ít nhất 10 tên lửa của Iran đã trúng căn cứ không quân al-Asad, nơi có hơn 1.000 binh sĩ Mỹ đồn trú ở miền tây Iraq, và 5 tên lửa trúng căn cứ Erbil ở miền bắc nước này. Các hình ảnh vệ tinh mới được công bố cũng cho thấy căn cứ al-Asad bị hư hại sau cuộc tấn công của Iran.
Đáng nói là, không có dấu hiệu nào cho thấy bất cứ tên lửa nào của Iran bị đánh chặn mặc dù các nguồn tin nói rằng 4 tên lửa không trúng mục tiêu Erbil.
Lầu Năm Góc từ chối bình luận có sử dụng hệ thống phòng thủ Patriot cũng như liệu có tên lửa nào bị đánh chặn trong vụ tấn công của Iran hôm 8/1 hay không. “Lầu Năm Góc không cung cấp thêm bất cứ thông tin nào ngoài thông cáo được phát đi tối qua”, người phát ngôn Lầu Năm Góc Thomas Campbell nói. Trong khi đó, một quan chức quốc phòng tiết lộ với CNN rằng: "Mỹ không hề có ý định đánh chặn các tên lửa này".
Năm ngoái, Mỹ đã triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot đến Vịnh Ba Tư nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Iran đối với các tàu hoạt động trong khu vực cũng như các giếng dầu của đồng minh Ả rập Xê út. Tuy nhiên, Business Insider dẫn các nguồn thạo tin cho biết, không có hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot hay Avenger nào được triển khai ở hai căn cứ trên vào thời điểm xảy ra vụ tấn công.
Hệ thống radar của Patriot có thể theo dõi hơn 100 mục tiêu trong tầm hoạt động trên 100km, tuy nhiên, các tên lửa đánh chặn của tổ hợp này chỉ có tầm hoạt động khoảng 20km. Patriot có thể dùng để đối phó cả tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.